Lớp Học Cho Đi & Trưởng Thành

Khóa học “Cho đi & trưởng thành” ra đời với mục tiêu cảm hứng để các bạn thanh thiếu niên trở thành những công dân quan tâm, có kiến thức để cho đi và chia sẻ một cách hiệu quả. Người tham gia sẽ có dịp khám phá những tài sản của bản thân, kết nối với người có cùng mối quan tâm, học cách hợp tác làm việc, và cách tạo ra những thay đổi tốt lành cho bản thân và cộng đồng.

Brieft_2018_Cho đi & Trưởng thành .docx

Vì Sao Cần Học Về Cho Đi?

Những truyền thống từ thiện bén rễ sâu trong các xã hội, nhưng trên thực tế nền tảng của từ thiện là những hành động cá nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng hành vi từ thiện là sự thôi thúc của lòng vị tha đồng thời cũng là một hành vi học được (Falco & cộng sự., 1998; Schervish, 1997).

Theo một nghiên cứu của Ottoni-Wilhelm và cộng sự (2014), những người trẻ có khả năng cho đi và tình nguyện nhiều hơn nếu được tiếp xúc với những cuộc trò chuyện về từ thiện và hình mẫu của những hành vi tử tế. Các nghiên cứu về từ thiện trên thế giới cho thấy từ thiện ở thanh thiếu niên không chỉ nâng cao các cộng đồng địa phương, mà còn giáo dục một thế hệ công dân có trách nhiệm và biết quan tâm đến cộng đồng xung quanh. Với sự giáo dục, hướng dẫn và hỗ trợ thích hợp từ gia đình và các tổ chức địa phương, trẻ em và thanh thiếu niên có khả năng làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.

Người Tham Dự Sẽ Học Được Gì?

Thông qua lớp học tại TPHCM & Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, người tham gia sẽ:

  • Làm quen với các khái niệm trong thế giới từ thiện
  • Tìm hiểu sự kết nối của bản thân với môi trường chung quanh
  • Nhận biết sự đa dạng và bất bình đẳng trong xã hội
  • Lắng nghe từ những người cho đi truyền cảm hứng về cách họ đã tạo nên sự khác biệt và tác động như thế nào
  • Tìm hiểu những vấn đề xã hội mình quan tâm
  • Cách hiện thực hoá với sự hỗ trợ từ các người hướng dẫn (mentors) và các nguồn lực được kết nối

Những người học sau đó sẽ chia nhóm để cùng làm dự án. Các học viên có cùng mối quan tâm sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu về các chủ đề của mình và hỗ trợ nhau đóng góp cho vấn đề mình quan tâm trong khả năng của mình. Các bạn sẽ nhận được sự cố vấn và các nguồn lực để áp dụng và trải nghiệm những gì đã học và thực hiện các dự án của họ trong 6 tháng.

Giảng Viên

Dự Án Của Học Viên?

Tâm sự với người lạ

Tâm sự với người lạ là một dự án cộng đồng, nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội chia sẻ, kết nối với nhau.

Hiểu

Dự án hướng đến thúc đẩy thực hành tình nguyện có trách nhiệm trong sinh viên. Dự án được chọn tham dự chương trình Active Citizens của British Council tại London, tháng 1 năm 2020.

Kintsugi project

Dự án hướng đến thúc đẩy tinh thần của các bạn học sinh sinh viên thông qua các trải nghiệm nghệ thuật.

Thắc Mắc Thường Gặp

Vì sao học về cho đi quan trọng?

Theo một nghiên cứu của Ottoni-Wilhelm và cộng sự (2014), những người trẻ có khả năng cho đi và tình nguyện nhiều hơn nếu được tiếp xúc với những cuộc trò chuyện về từ thiện và hình mẫu của những hành vi từ thiện. Các nghiên cứu về từ thiện trên thế giới đã cho thấy từ thiện ở thanh thiếu niên không chỉ nâng cao các cộng đồng địa phương, mà còn giáo dục một thế hệ công dân có trách nhiệm và biết quan tâm đến cộng đồng xung quanh. Với sự giáo dục, hướng dẫn và hỗ trợ thích hợp từ gia đình và các tổ chức địa phương, trẻ em và thanh thiếu niên có khả năng làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.

Khoá học “Cho đi & Trưởng thành” ra đời với mục tiêu truyền cảm hứng để các bạn thanh thiếu niên trở thành những công dân biết quan tâm, có kiến thức để cho đi và chia sẻ một cách hiệu quả. 

Cho đi hay từ thiện có thể học được hiệu quả trong một lớp học?

Nghiên cứu chỉ ra rằng hành vi từ thiện là sự thôi thúc của lòng vị tha đồng thời cũng là một hành vi học được (Falco và cộng sự., 1998; Schervish, 1997).

Như bất kỳ một kỹ năng hay năng lực nào khác, những giá trị nhân ái và các kỹ năng liên quan đến phụng sự có thể được nuôi dưỡng thông qua đào tạo và môi trường nuôi dưỡng như gia đình, nhà trường, cộng đồng. 

Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, CHUM mang đến cho người học trải nghiệm, nguồn lực, cộng đồng những người quan tâm để chia sẻ và nuôi dưỡng những năng lực trên, tạo nền tảng cho người học tiếp tục phát triển những giá trị này cho riêng mình sau khi khoá học kết thúc. 

Nhiều người đã và đang cho đi và làm từ thiện mà không cần học, khóa học “Cho đi & Trưởng thành" tạo giá trị hay khác biệt như thế nào?

Việt Nam có truyền thống và văn hoá giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn từ lâu đời, tuy vậy đa số người Việt thường có thói quen đóng góp ngắn hạn như quyên góp qua chùa chiền, báo đài, hay các chuyến từ thiện. Những việc đóng góp hướng đến tác động, hiệu quả lâu dài hay giải quyết những thách thức phức tạp trong cộng đồng như y tế, môi trường, giáo dục, văn hoá vẫn còn ít phổ biến. Theo nghiên cứu mới đây của ISEE về từ thiện tại Việt Nam, những mục đích đa số người Việt cho là chính đáng để hỗ trợ là nghèo đói và khuyết tật.

Khóa học “Cho đi & Trưởng thành” hướng đến cung cấp kiến thức, kỹ năng và khuyến khích việc cho đi một cách hiệu quả và bền vững, hướng đến tác động lâu dài trong việc giải quyết một vấn đề xã hội. Khóa học cũng hướng đến nuôi dưỡng những thói quen quan tâm, chia sẻ với người khác  và tinh thần trách nhiệm của những bạn trẻ với những vấn đề chung quanh mình.

Lớp học này dành cho ai?

Các bạn trẻ:

  • từ 16 – 20 tuổi sinh sống tại TPHCM 
  • quan tâm đến từ thiện hay nuôi dưỡng những giá trị nhân ái cho bản thân
  • Có thể cam kết theo hết các giai đoạn của lớp học gồm: 
    1. 2 ngày học từ 8:30 giờ sáng – 6 giờ chiều tại TPHCM (24 & 25/7/2021)
    2. 4 ngày học tại Nam Cát Tiên (5-8/8/2021) 
    3. Thực hiện 1 dự án cộng đồng theo nhóm hay tình nguyện tại TPHCM hoặc nghiên cứu 1 vấn đề bạn quan tâm (mỗi tuần 2-3 giờ). 
  • Làm việc với các mentor 1 tháng/lần qua gặp trực tiếp  

Việc triển khai dự án do các nhóm tự chủ động thiết kế và thực hiện. 

Người tham dự sẽ học được điều gì từ khoá học?

Các chủ đề của những bài giảng bao gồm: 

  • Làm quen với các khái niệm trong thế giới từ thiện & từ thiện bền vững 
  • Tìm hiểu sự kết nối của bản thân với môi trường chung quanh 
  • Nhận biết sự đa dạng và bất bình đẳng trong xã hội 
  • Lắng nghe từ những người cho đi truyền cảm hứng về cách họ đã tạo nên sự khác biệt và tác động như thế nào 
  • Tìm hiểu những vấn đề xã hội mình quan tâm và cách hiện thực hoá (đánh giá nhu cầu, kỹ năng gây quỹ, quản lý dự án, v.v.) với sự hỗ trợ từ các người hướng dẫn (mentors) và các nguồn lực được kết nối.

Thông qua trải nghiệm này người học có thể xác định từ thiện có nghĩa gì với mình và những thay đổi gì họ muốn thấy. Các bạn sẽ tìm hiểu tác động của những hành động của mình trong cộng đồng. 

Khóa học khuyến khích năng lực cảm xúc xã hội thông qua việc áp dụng những kỹ năng cá nhân và xã hội trong làm việc nhóm, phát triển kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, giải quyết mâu thuẫn và lãnh đạo, học cách nhìn nhận những góc nhìn và quan điểm của người khác. 

Giảng viên khoá học là ai?

Giảng viên của khoá học là những người có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực phát triển cộng đồng. 

Học phí của khóa học như thế nào?

Người tham dự được tài trợ toàn bộ học phí & chuyến đi Nam Cát Tiên 4 ngày. Người học được yêu cầu đóng góp chi phí di chuyển lên Cát Tiên và ăn uống các bữa trưa cho mình là 1.000.000 đồng như một sự cam kết của mình với khóa học. 

Khóa học có học bổng không?

Tham dự khóa học này là món quà. Món quà này được trao tặng bởi rất nhiều người mong muốn trao tặng thời gian, kiến thức, kỹ năng, tài chính với niềm tin rằng những sẻ chia này sẽ là nguồn cảm hứng để người học làm nên những khác biệt tốt lành cho bản thân và tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội. Mỗi học viên được nhận vào khoá học đã được tài trợ 80% học bổng của toàn khoá học.

Người ở ngoài TPHCM có thể tham gia khoá học được không?

Do khoá học yêu cầu làm việc với các mentors, có các hoạt động định kỳ theo sau nên chỉ những bạn ở TPHCM có thể sắp xếp tham dự các hoạt động này mới được chấp nhận. 

Tôi có thể tham gia phần học tập trung tại TPHCM & Cát Tiên và tự triển khai dự án của mình ở địa phương khác không?

Do khoá học yêu cầu làm việc với các mentors, có các hoạt động định kỳ theo sau nên việc ở xa sẽ là trở ngại. Khóa học chỉ nhận những bạn có thể tham gia đầy đủ các hoạt động của dự án tại TPHCM. 

Kinh nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện có phải là yếu tố quan trọng trong việc xét duyệt không?

Không nhất thiết.

Mentors của dự án là ai?

Mentors của dự án là những người có kinh nghiệm trong việc quản lý những dự án cộng đồng, làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận hay công tác trong lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. 

Vì sao cần thiết phải thực hiện dự án cộng đồng theo nhóm trong 6 tháng? Dự án được triển khai như thế nào?

Dự án cộng đồng là nơi những người học của “Cho đi & Trưởng thành” ứng dụng những gì mình đã học vào trong thực tế, để trải nghiệm và học từ trải nghiệm của mình cũng như từ những người bạn đồng hành và cố vấn. 

Có nhiều cách làm từ thiện: cá nhân, gia đình, theo nhóm, theo tổ chức. “Cho đi & Trưởng thành” kết hợp những bạn có cùng mối quan tâm thành những “vòng tròn trao tặng”. Đây là một cách để học về những hình thức làm từ thiện hiệu quả: các nhà hảo tâm cùng chia sẻ nguồn lực và cùng ra quyết định làm sao để sử dụng tiền tài trợ một cách hợp lý.  

Những vòng tròn trao tặng này sẽ thúc đẩy sự thảo luận, vấn đề nào nhóm sẽ ủng hộ, ủng hộ như thế nào, thông qua những hoạt động gì, v.v. giữa các thành viên trong nhóm.  

6 tháng là khoảng thời gian yêu cầu dự kiến. Sau khoản thời gian này dự án được khuyến khích tiếp tục triển khai và những mentors của CHUM vẫn tiếp tục đồng hành với các nhóm.

Những nguồn lực nào mà CHUM cung cấp cho người học để thực hiện dự án cộng đồng?

  • Tài liệu hướng dẫn 
  • Sự cố vấn từ các mentors. Họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của mình. Các mentors sẽ có thể kết nối nhóm với những tổ chức, cá nhân hay những nguồn lực tài chính và kỹ thuật liên quan khác. 

CHUM có hoạt động gì với học viên sau khi kết thúc khoá học?

Sau khi khoá học kết thúc, các học viên sẽ tham gia mạng lưới cựu học viên – mạng lưới những nhà thiện nguyện trẻ. Mạng lưới là nơi các cựu học viên chia sẻ kinh nghiệm thiện nguyện và tiếp tục nâng cao kiến thức thông qua các trao đổi, tập huấn. Cựu học viên có thể tham gia phát triển quỹ chung và chia sẻ kinh nghiệm với các học viên khoá sau.

Lớp học này có thực hiện ở nơi khác ngoài TPHCM không?

Trong tương lai, CHUM mong muốn mang khóa học này đến những nơi khác nhau khi điều kiện cho phép.

Làm sao khoá học đo lường tác động của đối với học viên?

CHUM đo lường tác động trực tiếp của khóa học với học viên thông qua những khảo sát trước và sau khóa học.