Chương trình đồng hành phục vụ trẻ độ tuổi từ 10 đến 18 có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình kết hợp một bạn nhỏ (Chum Nhỏ) với một người lớn trưởng thành (Chum Lớn) và Chum Lớn cam kết làm việc với Chum Nhỏ ít nhất một năm. Qua chương trình này, mục tiêu của CHUM giúp trẻ có được những mối quan hệ đồng hành cam kết lâu dài, xây dựng mạng lưới bạn bè lành mạnh, phát triển các kỹ năng sống, cải thiện sự tự tin và lạc quan về tương lai.
Nhân viên dự án của CHUM hỗ trợ thường xuyên cho từng cặp Chum Lớn – Chum Nhỏ (mentor – mentee). Chúng tôi đi cùng và giúp các Chum Lớn nhận ra những thách thức mà có thể xuất phát từ việc bạn nhỏ bị sao nhãng hay bỏ rơi trong quá khứ. Các phương pháp can thiệp của CHUM dựa trên những bằng chứng về sự phù hợp và hiệu quả trong làm việc với trẻ và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. CHUM cung cấp những hỗ trợ cá nhân giúp thúc đẩy tuổi thọ của các mối quan hệ đồng hành.
Các cặp Chum Lớn – Chum Nhỏ gặp nhau ít nhất 2 lần – 4 giờ một tháng. Trên thực tế, thông thường các bạn dành nhiều thời gian hơn vì ngoài làm việc riêng với nhau, cả hai còn cùng tham gia vào các hoạt động khác do CHUM tổ chức, chẳng hạn như cùng xem phim, đọc sách, viết, thí nghiệm khoa học hay trồng cây. Những hoạt động này khuyến khích sự phát triển kỹ năng cảm xúc – xã hội, và cung cấp cho các em Chum Nhỏ cơ hội để học các kỹ năng mới và xây dựng các mối quan hệ bền chặt với các Chum Lớn của mình cũng như với cộng đồng. Nhiều em Chum Nhỏ hiện nay đã xem Chum Lớn là một trong những người quan trọng & đáng tin cậy nhất trong cuộc sống của em.
Kỹ năng cảm xúc xã hội
Theo kết quả nghiên cứu của của những tổ chức giáo dục hàng đầu tại Mỹ được đúc kết tại hội nghị do nhóm Bridgespan tổ chức tháng 10/2014 và đăng trên Tạp chí Sáng tạo xã hội của Đại học Standford, nhóm kỹ năng cảm xúc xã hội giúp học sinh trở thành người học hiệu quả hơn, chuẩn bị cho các em nền tảng tốt hơn không chỉ trong việc học, mà còn trong nghề nghiệp và cuộc sống, thay vì chỉ tập trung vào những khả năng trường lớp truyền thống (như tập trung vào các môn nhận thức Toán, Anh Văn, v.v.). Kỹ năng cảm xúc xã hội bao gồm năng lực nhận thức bản thân, nhận thức xã hội, phát triển các mối quan hệ, kiểm soát bản thân. Tại Việt Nam một số tổ chức và sáng kiến cũng đã bắt đầu áp dụng giảng dạy những kỹ năng này tại một số trung tâm xã hội (Tịnh Trúc Gia), trường học mầm non và đã ghi nhận những tác động tích cực lên người học (theo báo cáo của Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, người đang điều phối Trung tâm quốc gia hạnh phúc tại Bhutan tại trường Đại học Hoa Sen ngày 22/8/2015).
Bên cạnh đó, nghiên cứu của CHUM thực hiện cuối năm 2014 trên nhóm thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 -17 tại các trường học khác nhau ở nội thành TPHCM, Hóc Môn, và khu vực Đồng Nai, Tiền Giang cho thấy nhu cầu học kỹ năng sống của các em chiếm thứ 2 (67,9%) sau định hướng nghề nghiệp (70,8%). Một số đã từng tham gia những lớp tập huấn kỹ năng khác nhau, nhưng hầu hết là các khóa học ngắn kéo dài từ một vài ngày đến một tháng.
Ngoài ra, với nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khan (một trong nhóm đối tượng thụ hưởng của dự án), nguy cơ các em đối mặt cao hơn bình thường xuất phát từ môi trường và điều kiện gia đình hạn chế. Chính vì thế, việc rèn luyện những kỹ năng xã hội có thể giúp các em nâng cao năng lực kháng cự của bản thân trong việc tham gia vào những hành vi rủi ro.